Quan điểm của Ward Wilson về lý do Nhật Bản đầu hàng Vụ_ném_bom_nguyên_tử_xuống_Hiroshima_và_Nagasaki

Theo một nghiên cứu vào năm 2013 của Ward Wilson (một nhà hoạt động chống vũ khí hạt nhân) thì việc Nhật Bản đầu hàng có nguyên nhân chính là từ Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô chứ không phải do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ. Theo Ward Wilson, quyết định đầu hàng của Hội đồng Tối cao Nhật Bản được quyết định vào ngày 9 tháng 8 (giờ Nhật Bản), trong khi vụ ném bom Nagasaki diễn ra vào cuối buổi sáng ngày 9 tháng 8, sau khi Hội đồng Tối cao đã bắt đầu họp bàn chuyện đầu hàng. Ward Wilson cho rằng vụ ném bom Hiroshima không phải là lý do Nhật đầu hàng, vì báo cáo sơ bộ của nhóm điều tra Lục quân Nhật về vụ ném bom Hiroshima đã không được trình nộp cho đến ngày 10 tháng 8. Ward Wilson cho rằng Nhật Bản đã quyết định đầu hàng từ trước khi lãnh đạo của họ nhận ra sự tàn phá của bom nguyên tử đối với Hiroshima và Nagasaki.

Theo Ward Wilson các nhà lãnh đạo Nhật từ lâu đã kết luận: có thể đánh một trận quyết định chống lại một đại cường quốc tiến công từ một hướng, song không thể nào đánh lui hai đại cường quốc tiến công từ hai hướng khác nhau. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối cao vào tháng 6 năm 1945, họ đã nói rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến “sẽ quyết định số phận của cả Đế quốc”. Cũng trong cuộc họp đó, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe đã nói rằng “Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến”. Theo Ward Wilson thì Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô đã làm tan biến mọi hy vọng kháng cự của Nhật Bản, dù họ còn chưa biết về việc Mỹ ném bom nguyên tử.

Trong ngày 6-8-1945, sau khi ném bom nguyên tử ở Hiroshima, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã lên sóng phát thanh kêu gọi đầu hàng của Nhật Bản. Tổng thống Truman nói về bom nguyên tử và đe dọa nếu Nhật Bản không đầu hàng thì những tai họa như Hiroshima sẽ tiếp tục. Và thông báo của Truman đã được Hoàng thân Koichi Kido chuyển cho Nhật hoàng lúc 13h30 phút ngày 7-8.[12] Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nhật Bản (và hầu như toàn thế giới) khi đó chưa hề hiểu khái niệm "bom nguyên tử" là gì. Việc một thành phố bị hủy diệt là một tin gây chấn động trong thời hòa bình, nhưng trong bối cảnh năm 1945, hàng chục thành phố Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Yokohama... đã bị máy bay ném bom Mỹ tàn phá hoàn toàn trong suốt nhiều tháng trước đó, riêng trận ném bom ở Tokyo đã giết hơn 100.000 thường dân chỉ trong 1 ngày, nên việc thành phố Hiroshima bị phá hủy và lời đe dọa mơ hồ của Truman đã chẳng gây được nhiều ấn tượng với bộ chỉ huy Nhật. Ward Wilson cho rằng việc Hội đồng Tối cao Đế quốc Nhật Bản hủy cuộc họp về vụ ném bom tại Hiroshima chứng tỏ các thành viên Hội đồng không coi vụ ném bom này là nghiêm trọng hơn những vụ trước đó.[13]

Theo quan điểm của Ward Wilson, chiến dịch của Liên Xô có ý nghĩa chiến lược quyết định khiến Nhật Bản đầu hàng, còn việc ném bom nguyên tử của Mỹ thì không[13]. Động cơ khiến Đế quốc Nhật Bản đầu hàng theo Ward Wilson cũng không phải từ việc bị Hoa Kỳ ném bom nguyên tử mà thực chất do những tác động của việc Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Điều này được Ward Wilson củng cố bởi các luận điểm như:

  • Thực tế Nhật Bản đã có ý định đầu hàng trước khi bị Hoa Kỳ ném bom
  • Việc Nhật Bản đưa ra tuyên bố đầu hàng sau khi Hoa Kỳ ném bom thực chất chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
  • Báo cáo sơ bộ của nhóm điều tra của Lục quân Đế quốc Nhật Bản về vụ ném bom Hiroshima, bản báo cáo rất chi tiết về chuyện đã xảy ra ở đó, đã không được trình nộp cho đến ngày 10 tháng 8. Do đó, tác động về mặt tâm lý của bom nguyên tử lên quyết định đầu hàng là không có, vì ngày 9/8, các chỉ huy tối cao của Nhật vẫn chưa biết gì về việc bom nguyên tử đã được sử dụng.
  • Phía Đế quốc Nhật Bản lúc đó không có kiến thức về bom nguyên tử, đặc biệt là sức mạnh của nó. Do vậy, cuộc họp của Hội đồng Tối cao Đế quốc Nhật Bản về vụ ném bom tại Hiroshima bị hủy, chứng tỏ các thành viên Hội đồng không coi vụ ném bom này là nghiêm trọng hơn những vụ trước đó.
  • Quy mô phá hủy ngay lập tức của quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima không lớn hơn các vụ ném bom thông thường của Hoa Kỳ xuống Nhật Bản trước đó
  • Nhật Bản lựa chọn đầu hàng với hy vọng Liên Xô sẽ bảo vệ mình trước sức ép của quân Đồng Minh về việc phải nhận trách nhiệm về tội ác chiến tranh
  • Nhật Bản vẫn quyết tâm gây thương vong lớn nhất có thể cho Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ đổ bộ lên lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng việc Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản, đổ bộ lên Kuril và đang đổ bộ rất nhanh, Nhật Bản không kịp ứng phó nên đầu hàng Liên Xô là giải pháp tránh thương vong và giữ được quyền cai trị của Thiên hoàng.
  • Việc đổ lỗi thất bại bởi bom nguyên tử sẽ giúp Thiên hoàng bảo vệ uy tín và danh dự của mình cũng như thu hút được sự cảm thông quốc tế
  • Việc đổ lỗi thất bại bởi bom nguyên tử sẽ giúp Hoa Kỳ hài lòng và đối xử với Nhật Bản với một thái độ thiện chí[13]

Ngày 10 tháng 8, sau khi nghe tin về cuộc tấn công Mãn Châu của Liên Xô và ý kiến của Hội đồng tối cao, Thiên hoàng Hirohito đưa ra lời phán: "Trẫm đã nghĩ kĩ rồi. Người Nga đã tham chiến. Nhật Bản đang lâm vào tình thế "lưỡng đầu thụ địch" cả hai mặt đều bị tiến công. Chỉ còn một giải pháp do thủ tướng Suzuki đề xuất (đầu hàng) mới có thể tìm được lối thoát".[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_ném_bom_nguyên_tử_xuống_Hiroshima_và_Nagasaki http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://www.ww2pacific.com/downfall.html http://www.rerf.or.jp/general/qa_e/qa1.html http://web.archive.org/web/20060929120212/http://w... http://www.ibiblio.org/hyperwar/AAF/USSBS-PTO-Summ... http://inosmi.ru/history/20161009/237994318.html http://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/Nagasaki-the-man... http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-chon-nem-bom-... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Atomic... https://books.google.com.vn/books?id=na2HCwAAQBAJ&...